Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Bằng Xe Lăn Đạp Chân ( Xe Lăn Profhand)

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Bằng Xe Lăn Đạp Chân ( Xe Lăn Profhand)

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Xe lăn đạp chân này là kiểu xe lăn ba bánh gồm 2 bánh trước và 1 bánh sau. Bánh trước là bánh truyền chuyển động (lực từ bàn đạp truyền động cho bánh trước bên phải, không tác động lên bánh trước bên trái), bánh sau là bánh lái. Xe lăn đạp chân sẽ tiến lên trước nếu người bệnh đạp bàn đạp về phía trước hoặc lùi về phía sau nếu đạp bàn đạp về phía sau giúp người khiếm khuyết tái hòa nhập cộng đồng.
  • Xe lăn đạp chân là một dụng cụ phục hồi chức năng hỗ trợ cho người bệnh khiếm khuyết vận động chi dưới về khả năng di chuyển độc lập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Liệt 2 chi dưới không hoàn toàn. 
  • Liệt nửa người.
  • Bại não.
  • Bệnh Parkinson.
  • Bệnh lý đám rối, rễ, dây thần kinh.
  • Bệnh khớp (giai đoạn cấp hoặc mạn): viêm khớp, bệnh Gout…
  • Chấn thương: giai đoạn không chịu tì đè trọng lượng như sau gãy xương, sau đứt gân, cơ, dây chằng.
  • Các bệnh lý mạn tính làm hạn chế khả năng đi lại: bệnh tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), người cao tuổi …

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người có rối loạn nhận thức gây khó khăn trong điều khiển xe lăn đạp chân.
  • Khi vị thế ngồi bị chống chỉ định: loét vùng mông, loét vùng cùng cụt.
  • Sau phẫu thuật thay khớp háng.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu.

2. Phương tiện

Xe lăn đạp chân, ghế ngồi, tấm ván, đai thắt lưng an toàn, thanh song song.

3. Người bệnh

Được giải thích rõ mục đích luyện tập.

4. Hồ sơ bệnh án

  • Lượng giá tổng quát khả năng vận động, di chuyển của người bệnh, mức độ độc lập trong sinh hoạt hàng ngày.
  • Có chỉ định luyện tập hoặc/và sử dụng xe lăn đạp chân.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án

2. Kiểm tra người bệnh

3. Kiểm tra xe lăn và địa điểm tập

  • Xác định trạng thái xe lăn (phanh, tay lái, lốp, bánh xe, bàn đạp.. ).
  • Đảm bảo không có chướng ngại vật tại địa điểm tập, phòng tập không trơn ướt.

4. Thực hiện kỹ thuật

Thời gian mỗi buổi tập: 20 – 30 phút

4.1.Bước 1: lên xe lăn

  • Tháo bàn đạp khỏi trục trái, phải.
  • Khóa phanh (có thể sử dụng phanh được gắn trên bánh trước của xe với loại xe
  • có tay phanh ở dưới ghế ngồi).
  • Lênxe:đốivới nhữngngười chânyếu,khôngthểđứnglâuđượcthìkhông nên gắng sức mà cần sự trợ giúp của người chăm sóc.
a. Trường hợp tự lên xe
  • Để xe lăn ở gần cơ thể.
  • Nâng tay vịn ở đối diện tay điều khiển lên trên.
  • Lên xe từ phía bên tay vịn đã được nâng lên (phía bên tay không liệt).
  • Điều chỉnh cơ thể sao cho người hướng về phía trước.
  • Ngồi sâu vào bên trong ghế ngồi của xe lăn.
b. Chuyển người bệnh từ ghế hoặc giường có chiều cao bằng chiều cao xe lăn
  • Đặt xe nghiêng 1 góc 450 so với giường, khóa xe.
  • Nâng tay vịn ở bên muốn chuyển người bệnh lên (đối diện với bên cần điều khiển).
  • Ngồi vào xe lăn từ phía bên tay vịn đã được nâng lên từ ghế hoặc giường.
  • Hơi nâng mông lên 1 chút và để mông có thể xê qua xê lại trên ghế ngồi xe lăn.
  • Ngồi sâu vào bên trong ghế ngồi của xe lăn.
c. Ngồi từ xe lăn khác lên xe lăn đạp chân
  • Đứng lên khỏi xe lăn, đứng yên, hai chân mở rộng bằng hai vai. Để tránh bị ngã hãy nắm vào tay vịn, thanh vịn, dụng cụ tập đi bộ, bàn hoặc ghế…
  • Đưa xe lăn đạp chân vào từ phía sau, để trục quay của xe lăn vào giữa 2 bên chân của người cần sử dụng.
  • Nhẹ nhàng đặt hông xuống, ngồi sâu vào bên trong ghế xe lăn. 
d. Chuyển từ giường hoặc ghế cao sang xe lăn đạp chân
  • Đặt xe lăn đạp bằng chân vào bên cạnh giường hoặc ghế.
  • Đứng lên khỏi giường hoặc ghế, quay lưng lại, đứng yên, hai chân mở rộng bằng hai vai sao cho có thể dễ dàng ngồi lên xe lăn. Để tránh bị ngã hãy nắm vào tay vịn thanh vịn, dụng cụ tập đi bộ, bàn hoặc ghế…
  • Đưa xe lăn vào từ phía sau, để trục xe lăn vào giữa 2 bên chân người cần sử dụng.  Nhẹ nhàng đặt hông xuống, ngồi sâu vào bên trong ghế xe lăn.

4.2. Bước 2: lắp bàn đạp, cố định chân vào bàn đạp

  • Nếu người sử dụng đang đi chân đất thì đi giày vào. Chọn giày có đệm ở gót.
a. Dạng tiêu chuẩn (dạng cố định toàn bộ bàn chân vào bàn đạp)
  • Trường hợp người chăm sóc lắp bàn đạp
    • Đẩy xe lăn lên phía trước và sau để làm quay trục quay, đưa một bên trục quay hướng về phía trước.
    • Lắp bàn đạp vào trục đã quay về đằng trước.
    • Đưa chân vào bàn đạp.
    • Điều chỉnh và cố định chiều dài của dây đai.
    • Đẩy qua đẩy lại xe lăn và đưa trục còn lại về phía trước.
    • Tương tự như thế, lắp bàn đạp vào, để chân vào bàn đạp, cố định bằng dây đai.
  • Trường hợp lắp bàn đạp trong khi người bệnh ngồi nguyên trên xe lăn
    • Đẩy qua đẩy lại xe lăn làm quay trục quay để bên trục cho chân không có sức hoặc bị liệt sẽ hướng xuống dưới.
    • Khóa xe lăn.
    • Lắp bàn đạp vào trục đã quay xuống dưới.
    • Đưa chân vào bàn đạp, điều chỉnh chiều dài dây đai và cố định chân.
    • Nhả phanh, đẩy qua đẩy lại xe lăn và đưa trục còn lại về phía trước.
    • Khóa phanh.
    • Lắp nốt bàn đạp bên còn lại, đưa chân vào bàn đạp và cố định bằng dây thắt.
b. Dạng xe đạp (chỉ đưa bàn chân vào bàn đạp)
  • Đẩy qua đẩy lại xe lăn làm quay trục quay để hai bên trục quay ở trạng thái một bên lên, một bên xuống.
  • Lắp bàn đạp bên trái, phải vào, đặt chân lên bàn đạp.

4.3. Bước 3: các bài tập phục hồi chức năng với xe lăn đạp chân

a. Đi theo đường thẳng
  • Sau khi người bệnh đã ngồi an toàn trên xe lăn đạp chân, cố định chân trên bàn đạp, tay khỏe nắm cần điều khiển, đ được quan sát về cách điều khiển, cách phanh xe và dừng xe:
    • Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh thực hành phanh xe, khóa xe.
    • Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh thực hành đạp bàn đạp để di chuyển xe lăn theo đường thẳng tiến lên trước hoặc lùi về sau: tiến lên trước nếu đạp bàn đạp về phía trước hoặc lùi về phía sau nếu đạp bàn đạp về phía sau.
  • Giám sát người bệnh trong quá trình di chuyển theo đường thẳng, phanh và khóa xe.
b. Chuyển hướng xe lăn
  • Người bệnh đã thành thạo kỹ thuật di chuyển xe lăn theo đường thẳng, phanh- khóa xe:
    • Kỹ thuật viên hướng dẫn người bệnh sử dụng cần điều khiển chuyển hướng xe lăn sang phải hoặc sang trái:
    • Để rẽ phải thì xoay cần điều khiển sang phải.
    • Để rẽ trái thì xoay cần điều khiển sang trái.
    • Sau đó cầm tay điều khiển của người bệnh và hướng dẫn người bệnh thực hành điều khiển hướng xe.
    • Dần giảm bớt sự trợ giúp bằng cách đi theo xe của người bệnh để giám sát cho đến khi người bệnh thành thạo và điều khiển xe một cách độc lập.
    • Kỹ thuật viên hướng dẫn và người bệnh thựchành xoay xe lăn quanh một điểm. 
c. Đi vòng xe qua các chướng ngại vật
  • Bài tập 1: đặt mốc ở đầu và cuối điểm tập (2 điểm mốc cách nhau 10 m) và cho người bệnh di chuyển vòng quanh mốc theo một chiều nhất định sau đó có thể chuyển hướng.
  • Bài tập 2: luyện tập trong sân có chu vi rộng 50m, đặt các điểm mốc tại vị trí trên sân để người bệnh di chuyển quanh các mốc đó theo hướng khác nhau theo yêu cầu của kỹ thuật viên (di chuyển theo hình số 8, theo đường rích rắc…).

4.4. Bước 4: Xuống xe

  • Xuống xe khi đã khóa phanh, có thể sử dụng phanh cố định ở bánh trước của xe (đối với loại xe có tay phanh ở dưới ghế ngồi).
  • Để xe lăn ở bên cạnh giường, ghế, xe lăn khác và khóa phanh lại.
  • Đưa chân ra khỏi bàn đạp, tháo bàn đạp bên trái, phải ra.
  • Xuống xe.
a. Xuống xe và chuyển sang ghế hoặc giường có chiều cao bằng chiều cao xe lăn
  • Nâng tay vịn ở bên muốn xuống (đối diện với bên tay lái).
  • Nhấc mông lên 1 chút và xê dịch qua lại rồi ngồi xuống ghế hoặc giường.
b. Trường hợp xuống xe và chuyển sang xe lăn khác
  • Đứng lên khỏi xe lăn, đứng yên, hai chân dang rộng bằng hai vai. Để khỏi bị ngã hãy nắm vào tay vịn thanh vịn, dụng cụ tập đi bộ, bàn hoặc ghế…
  • Di chuyển xe lăn, đưa xe lăn vào từ phía sau.
  • Nhẹ nhàng đặt hông xuống và ngồi sâu vào phía trong ghế xe lăn.
c. Xuống giường hoặc ghế cao
  • Đứng dậy khỏi xe lăn,đứng yên. Để khỏi bị ngã hãy nắm vào tay vịn thanh vịn, dụng cụ tập đi bộ, bàn hoặc ghế…
  • Đẩy xe lăn đi và quay người ngồi vào giường hoặc ghế.

 VI. THEO DÕI

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn để phát hiện tình trạng vận động quá sức hoặc bất thường khác của người bệnh trong quá trình luyện tập.
  • Theo dõi sự tiến bộ của người bệnh qua các phép đường về tốc độ đi bộ,tốc độ và quãng đường di chuyển bằng xe, lực cơ, độc lập trong sinh hoạt.
  • Theo dõi, phát hiện các bất thường của xe ảnh hưởng đến an toàn của người bệnh trong luyện tập để xử trí kịp thời: phanh, lốp, cần điều khiển…

VII. TAI BIẾN VÀ CÁCH XỬ TRÍ

  • Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng mệt mỏi do nhiều nguyên nhân trong khi tập. Nếu người bệnh không cảm thấy khỏe, có thể ngừng tập bất kì lúc nào và báo cho bác sĩ những bất thường của người bệnh.
  •  Một số biến cố trong khi vận hành xe như trượt, lật, đổ xe…do đó cần lưu ý: Không đảo phanh quá 3600, gây xoắn dây phanh và đứt dây phanh.
  • Không sử dụng tay vịn để đẩy xe lăn.
  • Không chạm vào bánh xe, tránh nguy cơ kẹt tay vào bánh xe.
  • Không tra dầu lên phanh và lốp xe hoặc không di chuyển trên đường trơn trượt.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này