Tập Mạnh Cơ Đáy Chậu (Sàn Chậu)

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Tập cơ đáy chậu là tập luyện sự siết chặt và thư giãn lặp lại một cách chủ động có chọn lọc các cơ vùng đáy chậu. Phục hồi chức năng cơ vùng đáy chậu là một phương pháp quan trọng để kiểm soát rỉ tiểu.
  • Bài tập làm mạnh cho các cơ vùng đáy chậu hay còn gọi là bài tập Kegel có thể đem lại lợi ích cho cả nam giới và phụ nữ, đặc biệt với những người không kiểm soát được tiểu tiện. Ở nữ giới bài tập Kegel hay được áp dụng hơn nhằm kiểm soát tốt hơn khi tăng áp lực trong ổ bụng ví dụ khi ho, hắt hơi, cười và giúp phụ nữ lấy lại tự tin, nhất là sau khi sinh con. Tuy nhiên, việc tập luyện chương trình Kegel cần thực hiện một cách chính xác và đều đặn.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Đau hoặc có cảm giác bị sa âm đạo
  • Sa sinh dục mức độ nhẹ khi người bệnh ở tư thế tự nhiên.
  • Rỉ tiểu gắng sức, rỉ tiểu cấp
  • Người bệnh đi tiểu nhiều lần
  • Người bệnh đại tiện không tự chủ 

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh bị bệnh tim nặng

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện: 

Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên được đào tạo

2. Phương tiện: 

Bàn tập, phòng tập

3. Người bệnh: 

giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương trình tập

4. Hồ sơ bệnh án: 

bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sỹ

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ: 

kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định

2. Kiểm tra người bệnh: 

kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không 

3. Thực hiện kỹ thuật

  • Người bệnh có thể tiến hành bài tập ở bất kỳ đâu, thời gian nào trong ngày, nhưng người bệnh thường tập trên ghế, trong nhà vệ sinh hay trên giường. 
  • Bài tập cơ đáy chậu chia làm hai phần: giai đoạn làm chậm và giai đoạn làm nhanh. Sau khi người bệnh làm các động tác chậm tốt sẽ chuyển sang giai đoạn làm nhanh.

3.1. Bài tập chậm cơ vùng đáy chậu với người hướng dẫn

  • Siết chặt và kéo nhóm cơ vùng lưng lên, động tác này giúp người bệnh có thể tự kiểm soát trung tiện được. Lưu ý hướng dẫn người bệnh tránh co thắt nhóm cơ vùng mông, đùi và nhóm cơ bụng trong khi tập động tác này.
  • Tiếp theo, người bệnh sẽ siết chặt và kéo nhóm cơ quanh âm đạo và niệu đạo, động tác này giúp cho người bệnh có thể tự ngừng đi tiểu. Để xác định đúng cơ, đưa ngón tay trỏ vào trong âm đạo cho đến khi cảm nhận được áp lực vào ngón tay khi người bệnh tập bài tập này. Nếu chưa rõ người bệnh cố nhịn tiểu hoặc nhin tiểu giữa dòng để cảm nhận rõ hơn.
  • Giữ ở tư thế này và yêu cầu người bệnh đếm chậm từ 1 đến 5, nhớ không nhịn thở trong khi làm động tác này, điều này rất quan trọng giúp người bệnh thở bình thường
  • Sau khi đếm đến 5, người bệnh từ từ thư giãn hoàn toàn
  • Lặp lại động tác này 5 lần

3.2. Bài tập nhanh cơ vùng đáy chậu với người hướng dẫn 

  • Siết chặt và kéo nhanh nhóm cơ đáy chậu như đã làm trên Giữ tư thế này khoảng 1 đến 2 giây sau đó từ từ thư giãn
  • Lặp lại các động tác của giai đoạn chậm và nhanh ít nhất 5-10 lần hoặc cho đến khi người bệnh thấy mỏi cơ

4. Những điểm lưu ý

Trong khi thực hiện bài tập người bệnh thường quá tập trung theo người hướng dẫn để có thể làm đúng các bài tập nên nhóm cơ đáy chậu rất dễ mỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh tập đều đặn sau một thời gian sẽ thấy làm đơn giản và nhẹ nhàng hơn, không cần bất kỳ sự gắng sức nào. Người bệnh phải nhớ thư giãn và thở bình thường khi thực hiện bài tập với các cơ vùng đáy chậu

VI. THEO DÕI

Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác, kiểm tra từng giai đoạn để sửa những sai sót của người bệnh tránh thành thói quen xấu, không có hiệu quả

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu. 
  • Tập quá sức: Nghỉ ngơi.

Theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật về Phục hồi chức năng " (Đợt 1) 
Ban hành kèm theo Quyết định số 54 QĐ -BYT ngày 16/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế 

Bạn không thể copy nội dung ở trang này