Tập Vận Động Chuỗi Đóng Và Chuỗi Mở

I. ĐẠI CƯƠNG 

1. Định nghĩa

  • Vận động chuỗi là chuỗi liên kết hoạt động giữa các hệ thống để tạo ra cử động của con người, các hệ thống đó bao gồm hệ thống cơ, thần kinh và hệ thống xương với sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. 
  • Các bài tập vận động chuỗi là các bài tập sử dụng sự liên kết hoạt động giữa thần kinh, cơ, khớp và xương của một phần hay toàn cơ thể. Các bộ phận này phải hoạt động đồng thời cùng nhau tạo ra các cử động có mục đích. Ví dụ khi co cơ nhị đầu cánh tay, cử động gập khuỷu hình thành do sự phối hợp hoạt động của cơ, thần kinh vùng vai và cánh tay chứ không chỉ riêng của cơ nhị đầu vốn là mối quan tâm ban đầu của chúng ta.

2. Có hai loại bài tập chuỗi là bài tập chuỗi đóng và bài tập chuỗi mở

2.1. Các bài tập chuỗi đóng (Closed Kinetic Chain Exercises CKCE)

Là các bài tập được thực hiện khi bàn chân (đối với cử động của chân) hay bàn tay (đối với cử động của tay) ở trong vị thế cố định, không di chuyển trong suốt bài tập, bàn tay hay bàn chân duy trì sự tiếp xúc hằng định với một mặt phẳng, thông thường là mặt đất, bàn đạp chân của xe đạp hay tay cầm của máy tập. Những bài tập này là bài tập chịu sức nặng bao gồm cả sức nặng cơ thể hay sức nặng ngoại lai như tạ, lò xo.

2.2. Các bài tập chuỗi mở (Opened Kinetic Chain Exercises OKCE)

Là các bài tập được thực hiện khi bàn chân (đối với cử động của chân) hay bàn tay (đối với cử động của tay) cử động tự do và được thực hiện trong vị thế không chịu sức nặng. Sức đề kháng thông thường được đặt ở đoạn xa của chi thể và cử động thường xuất hiện trên một khớp bản lề như khớp khuỷu hay khớp gối.

3. Các đặc điểm của bài tập vận động chuỗi đóng và chuỗi mở

Đặc điểmBài tập chuỗi đóngBài tập chuỗi mở
Mẫu tác động lựcĐường thẳng, lực épXoay, lực cắt 
Số khớp trụcNhiều khớpMột khớp chính
Trạng thái phân đoạn khớpCả hai đoạn đều cử động đồng thờiMột đoạn cố định, một đoạn cử động
Số lượng khớp di chuyểnCử động nhiều khớp Cử động một khớp phân lập 
Mặt phẳng cử độngĐa chiềuMột chiều
Sự liên quan hoạt động của các cơĐồng co cơ rõ rệt Co một cơ phân lập hay động co cơ tối thiểu
Mẫu cử độngCử động chức năngThông thường cử động trục

II. CHỈ ĐỊNH

  • Cả hai loại bài tập chuỗi đóng và bài tập chuỗi mở đều có vai trò quan trọng trong giai đoạn cuối của chương trình phục hồi chức năng.
  • Các bài tập chuỗi đóng cho phép khởi động chương trình tập nhanh hơn và ít tạo sức căng trên mô vùng xung quanh hơn.
  • Các bài tập chuỗi mở cho phép tầm vận động lớn hơn và có thể sử dụng trong các hoạt động khởi động trong thể thao.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Người bệnh có rối loạn tri giác nhận thức, không hiểu lệnh và không điều khiển được các cử động của cơ thể.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện: 

Bác sỹ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên Vật lý trị liệu 

2. Phương tiện

  • Bàn tập hay nệm tập sàn nhà, cầu thang tập, xe đạp tập, máy tập tay, tạ các loại…
  • Phòng tập có đủ không gian cho người bệnh tập một cách an toàn.

3. Người bệnh

Người bệnh được giải thích rõ mục đích của kỹ thuật.

4. Hồ sơ bệnh án

Người thực hiện kỹ thuật ghi rõ trong hồ sơ bệnh án thời gian thực hiện, loại bài tập chuỗi đóng hay chuỗi mở sẽ thực hiện trên người bệnh.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ và lựa chọn bài tập

Lựa chọn bài tập vận động bài tập chuỗi đóng hay chuỗi mở dựa trên quy mô vùng thân thể cần được tập luyện, mục đích tập. Đây là loại bài tập thường liên quan đến nhiều khớp, nhiều cơ trong cơ thể.

2. Kiểm tra người bệnh

Trình bày động tác tập để người bệnh hiểu, có thể làm mẫu nhiều lần trước khi người bệnh tự thực hiện động tác. Mỗi cử động phải theo một trình tự đúng, từ vị trí khởi đầu, cử động đến hết tầm hoạt động của khớp, rồi lại trở về vị trí khởi đầu, xong lại tiếp tục lần lặp lại khác.

Các động tác tập không quá dễ cũng không quá khó đối với khả năng thực hiện của người bệnh. Nếu có cử động thay thế là do động tác tập quá nặng, tạ quá trọng lượng hoặc do người bệnh chưa thể thực hiện bài tập một cách chủ động.

3. Thực hiện kỹ thuật

3.1. Các bài tập chuỗi đóng

  • Đối với chi trên: Chống đẩy (hít đất, đẩy tường), chống trên hai tay trong vị thế quỳ, kéo xà, tập mạnh các cơ vai, cánh tay bằng máy tập có tay cầm…
  • Đối với chi dưới: Ngồi xổm đứng dậy, đạp xe đạp, đạp hai chân trên bàn tập đứng…

3.2. Các bài tập chuỗi mở

  • Đối với chi trên: Các bài tập chủ động tự do hai tay có cầm tạ tay hay không…
  • Đối với chi dưới: Nằm ngửa nâng chân lên háng gập gối duỗi thẳng, đạp xe trên không, nằm sấp nâng chân với háng duỗi gối gập…

VI. THEO DÕI

1. Ngày đầu tiên điều trị

Người bệnh cảm thấy thoải mái, các cơ được thư giãn tối đa, giảm đau và làm mềm khớp.

2. Ngày thứ hai

Nếu người bệnh mệt tăng lên, đau tăng lên, tăng nhạy cảm khớp, giảm cường độ tập và thời gian tập xuống.

Nếu không đau hay khớp dễ chịu hơn, lặp lại bài tập với cường độ và thời gian như trước.

3. Những ngày tiếp theo

Theo dõi và tăng dần cường độ tập hoặc có thể kéo dài thời gian tập mà không làm người bệnh mệt mỏi hoặc đau tăng lên.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Tăng huyết áp: Nghỉ ngơi, thuốc hạ áp
  • Đau cơ: Thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu Tập quá sức: Nghỉ ngơi.

Theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật về Phục hồi chức năng " (Đợt 1) 
Ban hành kèm theo Quyết định số 54 QĐ -BYT ngày 16/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế 

Bạn không thể copy nội dung ở trang này