Điều Trị Bằng Bồn Tắm Điện Một Chiều

I. ĐẠI CƯƠNG

Điều trị bồn tắm điện một chiều là một hình thức điều trị bằng nước (thủy trị liệu) mà người bệnh ngâm chân và/hoặc tay vào trong bồn nước có dòng điện một chiều (gồm dòng Galvanic và/hoặc các dòng điện xung một chiều) chạy qua. Bồn tắm điện một chiều là phương pháp điều trị kết hợp giữa nước và điện trị liệu. Tác dụng của bồn tắm điện một chiều là tạo ra sự kích thích điện một chiều tại chỗ hoặc toàn thân, đồng thời tạo xung huyết da tăng tuần hoàn cục bộ, thư giãn cơ bị co giật và giảm đau.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Điều trị thấp khớp, thoái hóa khớp, các di chứng thứ phát như co cơ, cứng khớp, dính khớp, hạn chế vận động khớp.
  • Điều trị rối loạn tuần hoàn ngoại vi do các bệnh lý về mạch máu.
  • Viêm dây thần kinh có kèm theo đau cơ,yếu cơ do các nguyên nhân khác nhau…

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bị suy tim, suy tuần hoàn nặng.
  • Người bệnh tinh thần kích động, mất cảm giác, động kinh.
  • Liệt cứng, bệnh xơ hóa tiến triển và teo cơ.
  • Viêm da, loét da, vết thương nhiễm trùng…
  • Người mang máy tạo nhịp tim.
  • Người bị mẫn cảm với dòng điện một chiều.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế hành nghề được đào tạo.

2. Phương tiện

  • Bồn tắm điện một chiều và các phụ kiện kèm theo: hệ thống bơm nước, máy điện một chiều, van nước, máy trộn nhiệt, ghế cho người bệnh ngồi điều trị.
  • Nhiệt độ nước điều chỉnh từ 35 – 370C.
  • Khăn mặt bông cho người bệnh lau khô bộ phận cơ thể sau khi điều trị.

3. Người bệnh

  • Giải thích để người bệnh hiểu, hợp tác trong điều trị.
  • Rửa sạch tay/chân trước khi điều trị bồn tắm điện một chiều.

4. Hồ sơ bệnh án

Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, chỉ định điều trị rõ ràng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Người bệnh ngồi vững trên ghế. Ngâm tay và/hoặc chân vào bồn tắm điện một chiều. Chú ý không để chạm tay hoặc chân vào các tấm điện cực kim loại gắn ở bên trong bồn.
  • Điều chỉnh nhiệt độ nước thích hợp, từ 35 – 37oC.
  • Chọn chế độ một bồn (cho 1 chi) hoặc nhiều bồn (cho nhiều chi).
  • Chọn thông số dòng điện: dòng galvanic và/hoặc các dòng điện xung. Điều chỉnh cường độ dòng điện đến mức thích hợp (tùy thuộc cảm giác và khả năng chịu dòng của người bệnh).
  • Đặt thời gian điều trị từ 15 – 20 phút.
  • Kết thúc điều trị:
    • Tắt máy (hoặc máy tự động tắt khi hết thời gian điều trị đ đặt). Hướng dẫn người bệnh bỏ tay/chân ra khỏi bồn nước, lau khô da bằng khăn bông sạch.
    • Kiểm tra da xem có thay đổi hay khó chịu gì không. Dặn người bệnh về nhà không chà xát da khi tắm rửa. Thông thường da vùng điều trị hơi đỏ lên, sau vài giờ sẽ tự hết, không cần phải lo lắng.
    • Tháo hết nước ra khỏi bồn và tiến hành vệ sinh theo quy định: sử dụng nước xà phòng hoặc chất tẩy không ăn mòn với miếng mút xơ hoặc vải mềm để cọ rửa bồn. Tráng lại bằng nước sạch.
    • Bảo quản máy theo quy định. 

VI. THEO DÕI

  • Trong quá trình điều trị:thường xuyên hỏi cảm giác và theo dõi phản ứng của người bệnh xem có gì bất thường không (cảm giác nóng, đau rát, mệt mỏi).
  • Sau khi điều trị:kiểm tra da vùng điều trị và cảm giác của người bệnh.Thường da có màu đỏ hồng. Ghi chép diễn biến vào phiếu điều trị chuyên khoa.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Bỏng nhiệt: do ngâm nước quá nóng. Xử trí theo quy định về bỏng nhiệt.
  • Mẩn ngứa do dị ứng điện một chiều. Xử trí: dừng điều trị triệu chứng sẽ hết. Có thể bôi kem và uống thuốc kháng histamin nếu cần thiết.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này